Tôi bị chấn thương gối, sưng đau nhưng vẫn đi lại được thì dây chằng có bị đứt không?
Đây là câu hỏi rất phổ biến của bệnh nhân khi gặp phải chấn thương ở gối. Đứt dây chằng gối là một chấn thương nặng và cần được xử trí kịp thời tuy nhiên nhiều người bệnh chủ quan không điều trị sớm gây ra nhiều tổn thương thứ phát trên sụn khớp, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích về tình huống này.
Đứt dây chằng gối có đi lại được không?
Hệ thống dây chằng đầu gối bao gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau và 2 dây chằng bên. Trong đó dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp giữ vững gối và thực hiện các vận động. Hay gặp nhất là tổn thương dây chằng chéo trước.
Đứt dây chằng khớp gối thường xảy ra sau chấn thương, va chạm khi chơi thể thao, tai nạn. Khớp gối bị sưng, đau trong vài tuần đầu rồi sau đó tự giảm dần. Phần lớn người bệnh bị giảm khả năng vận động, đi lại rất khó khăn nhưng một số trường hợp bị tổn thương dây chằng vẫn có thể đi lại bình thường, chỉ bị sụm gối khi vận động nhanh, đột ngột hoặc khi vận động mạnh thì khớp gối lại bị sưng đau.
Do đó việc vẫn có thể đi lại không đảm bảo rằng dây chằng của bạn chưa bị đứt. Bạn cần biết những dấu hiệu đứt dây chằng dưới đây để có biện pháp xử lý kịp thời:
Dấu hiệu đứt dây chằng gối
- Sưng đau vùng gối: Khi bị chấn thương, nếu nghe thấy tiếng “rắc”, tiếp đó là tình trạng sưng đau ở gối, đây có thể là báo hiệu của đứt dây chằng chéo trước. Người bệnh cũng thường cảm thấy khó khăn khi di chuyển trong những ngày sau đó. Sau một thời gian thì tình trạng này sẽ hết nhưng bạn sẽ gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động thể thao hay chạy nhảy, di chuyển nhanh.
- Lỏng gối: Nếu khớp gối vẫn có thể hoạt động nhưng đi lại cảm giác không chắc chắn, chân yếu và kém vững, cần đi khám ngay. Khi dồn trọng lượng cơ thể về bên chân bị chấn thương sẽ thấy đau và dễ ngã, lên xuống cầu thang cũng gặp phải một số khó khăn kiểm soát chân.
- Teo cơ : Teo cơ thường xuất hiện sau một thời gian ở những người bị đứt dây chằng đầu gối, đùi sẽ teo và bắt đầu nhỏ lại, nên việc đi lại trở lên khó khăn và chân sẽ bị yếu đi dần.
Khi có một trong những dấu hiệu trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám trực tiếp. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ tổn thương cụ thể thông qua nghiệm pháp Lachman, hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI), kiểm tra chức năng gối để chẩn đoán đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các tổn thương gân dây chằng nghiêm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh hoạt vận động, thậm chí với trường hợp rách đứt dây chằng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật. Cần có ý thức bảo vệ gân, dây chằng, bổ sung dinh dưỡng trực tiếp cho gân, dây chằng ngay khi xuất hiện các dấu hiệu tổn thương như: đau nhói tại 1 điểm, đau khi trời lạnh, khi vận động tăng cường hoặc thay đổi tư thế.
BTV Dược sĩ Thanh Hoa
Ý kiến của bạn